Các phiên bản và bản dịch Kinh_Thánh

Trong giới học thuật, các bản dịch cổ thường được gọi là "phiên bản" (version) trong khi thuật ngữ "bản dịch" được dành cho các bản dịch thời trung cổ hoặc đương đại.

Nguyên bản của Tanakh là tiếng Hebrew, mặc dù có một vài phần được viết bằng tiếng Aram. Bên cạnh Bản Masorete được công nhận là bản thẩm quyền, người Do Thái vẫn sử dụng bản Bảy mươi (bản dịch Kinh Thánh Hebrew sang tiếng Hy Lạp), và bản Targum Onkelos, một bản Kinh Thánh tiếng Aram.

Kitô hữu thời kỳ sơ khai đã dịch Kinh Thánh Hebrew sang các ngôn ngữ khác; bản văn chính được sử dụng là Bản Bảy mươi để dịch sang tiếng Syria, Coptic, Latin và các ngôn ngữ khác. Các bản dịch tiếng Latin là có tầm quan trọng lịch sử đối với giáo hội phương Tây trong khi giáo hội phương Đông nói tiếng Hy Lạp tiếp tục sử dụng bản Bảy mươi (Cựu Ước) và không cần phải dịch Tân Ước (nguyên văn bằng tiếng Hy Lạp).

Bản dịch tiếng Latin cổ xưa nhất là bản Latin Cổ (Vetus Latina), dựa trên bản Bảy mươi, và như thế bao gồm những sách không được qui điển trong Kinh Thánh Hebrew.

Sự xuất hiện ngày càng nhiều các bản dịch tiếng Latin khiến Giáo hoàng Damascus, vào năm 382, uỷ nhiệm thư ký của mình, Thánh Hierom, xác lập một bản văn nhất quán và đáng tin cậy. Hierom đảm nhận sứ mạng này để hoàn tất một bản hoàn toàn mới dịch trực tiếp từ tiếng Hebrew của bản Kinh Thánh Tanakh. Bản dịch này là nền tảng cho bản dịch tiếng Latin Vulgate, dù Hierom dịch các Thi thiên (Thánh vịnh) từ tiếng Hebrew, dựa trên bản Bảy mươi cổ, với một ít sửa đổi, được giáo hội sử dụng và được đưa vào các ấn bản của bản Vulgate. Bản Vulgate bao gồm các sách thứ kinh (deuterocanonical books), được Hierom nhuận chính, và trở nên bản dịch chính thức của Giáo hội Công giáo.

Kinh Thánh tiếng Bồ Đào Nha